Văn hóa dùng linh vật của người Việt

Thursday, 17/08/2017
Đăng bởi Song Hà

Gần đây dư luận có xu hướng bài trừ linh vật ngoại lai, nhưng bài trừ như thế nào, tại sao phải bài trừ là vấn đề cần phải quan tâm. Để làm rõ điều này, chúng ta cần tìm hiểu về sử dụng linh vật của người Việt.

Các loại linh vật

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia “Linh vật là một thuật ngữ dùng để chỉ cho bất cứ biểu tượng chính thức nào, cho bất kỳ cá nhân nào, động vật và các đối tượng, chủ đề nào mà mang lại sự may mắn”, theo định nghĩ này, linh vật “biểu tượng may mắn”, nên có thể là động vật, hay cây cối, con người,…

Theo công văn số 2662 của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, linh vật được nhìn nhận là “sư tử bằng đá và một số vật phẩm khác”.

Thực ra, bản chất của linh vật, dù ở Việt Nam hay quốc gia nào, đều mang hai ý nghĩa rất tự nhiên, là “mang đến may mắn”, và “trừ tai họa, nguy hiểm”. Linh vật này có thể là bất cứ một biểu tượng nào, chứ không chỉ thuần túy là con vật như sư tử, hay tỳ hưu. Do đó, dùng từ “linh khí” sẽ bao quát hơn từ linh vật và cũng tránh gây hiểu nhầm là con vật, vì thế những nội dung ở dưới đây sẽ dùng từ linh khí thay thế.

Linh khí của người Việt

Đã là linh khí, mang theo hai chức năng có bản “may mắn”, “trừ tà”, thì ở quốc gia hay khu vực nào cũng vậy, chỉ khác là tùy theo phong tục tập quán, hình thức ứng xử,… mà có cách nhìn nhận và sử dụng khác biệt.

Làm thế nào để phân biệt, nhìn nhận được linh khí của người Việt là vấn đề cần quan tâm. Nhiều nhà nghiên cứu có xu hướng dùng thiện ác, dữ hiền để phân biệt, là điều rất khó, và không nói lên bản chất của vấn đề, đồng thời lại có tính kỳ thị dân tộc khác, quốc gia khác là điều nên tránh trong một xã hội hòa nhập. Hơn nữa sức mạnh của mãnh thú bảo vệ và trừ tà, mà hiền, hay thiện thì sẽ mất tác dụng vốn có của nó. Lấy ngay sư tử làm ví dụ, sư tử có nguồn gốc từ văn hóa Lưỡng Hà, và Ai Cập Cổ, với hình tượng phổ biến mà nhiều người biết là tượng nhân sư bảo vệ lăng mộ cho các Pharaon. Người Trung Hoa cũng du nhập hình tượng này, hoàn thiện thêm và quảng bá mạnh mẽ đến nỗi người ta hiểu nó là biểu tượng “ngoại lai”. Chúng ta cũng có thể xem ngay hình tượng rồng, hổ tại các đền đình cổ, dù cách điệu thế nào thì cũng không bỏ hết được nét hung dữ. Sự hung dữ của những linh khí này, vừa có tác dụng ban đầu là trừ tà ma, bảo vệ đình đền,… vừa có tác dụng tăng thêm sự uy nghiêm, duy trì quyền thế, làm cho người đến, đi qua,… đều phải cúi mình, e sợ, không dám làm điều gì phạm húy.

Hình 1. Đã mang tính bảo vệ, trừ tà thì hình tượng đều sẽ uy dũng

Vậy, phải hiểu thế nào về linh khí của người Việt, và làm thế nào để phân biệt?

Bản chất của vấn đề chính là phong tục tập quán, và tư duy tiềm thức. Ban đầu, linh khí không phải là thứ dành cho người dân, vua chúa Trung Hoa sử dụng linh khí để “mang lại may mắn”, “trừ tà”, nhưng cao hơn là thể hiện “quyền uy”, và “bảo vệ chủ nhân”, “tấn công kẻ thù, tà ma”, vì thế linh khí của người Trung Hoa mới có xu hướng dữ tợn hơn, và quan trọng hơn, là hướng ra ngoài, cùng chiều của chủ nhân. Vua chúa của ta lại khác, sử dụng linh khí tuy cũng để “mang lại may mắn”, “trừ tà”, nhưng cao hơn là thể hiện sự “quy thuận chủ nhân”, “giữ lễ với chủ nhân”, ít có xu hướng “tấn công kẻ thù”, vì thế linh khí của người Việt mới có xu hướng hiền hơn, và quan trọng hơn, là hướng vào trong, phủ phục quy về, hoặc nằm ngang chầu vào. Nhìn các hình tượng tại các đình đền cổ sẽ thấy rõ điều này.

Hình 2. Linh khí của người Việt có xu hướng quay ngang, chầu về.

Còn làm thế nào để phân biệt, kể cả cấm sử dụng “linh vật” ngoại lai, nhất là trong thời kỳ hội nhập, là điều rất khó. Người điêu khắc, chế tác có quyền sáng tác ra tác phẩm mới chẳng giống ai, và sẽ làm gì nếu người ta làm ra sư tử Việt có dáng sư tử “ngoại lai”, sư tử “ngoại lai” có dáng sư tử Việt, hay pha trộn tổng hòa giữa các yếu tố trên? Tuy có nhiều điểm khác giữa linh khí của người Việt với các nước khác, nhưng mô tả thuần túy mà không có hình đối chiếu thì cũng khó nhận biết, khi có quá nhiều tạo hình người dân không biết đến, và cũng không thể gói gọn trong một bài này được, nếu có điều kiện sẽ hướng dẫn trong các chuyên đề khác sau.

Hình 3. Không dễ phân biệt linh khí thuần Việt, khi có quá nhiều tạo hình người dân không biết đến

Phương pháp hiệu quả nhất là tăng cường quảng bá về hình ảnh các linh khí cổ của người Việt, hay linh khí được gọi là thuần Việt, mà điều này lại chẳng dễ dàng, vì liên quan đến nhiều vấn đề, và cần đến thời gian. Lấy ví dụ đơn giản, khi thăm quan di tích Hoàng thành, thứ bạn nhìn thấy chỉ là bức ảnh thuần túy về “sư tử”, còn hình dáng thực sự thì chẳng biết ở đâu, nên sẽ rất khó thuyết phục, và quảng bá. Dù không thể trưng bày hiện vật với bất cứ lý do gì, cũng phải có một mô hình theo tỷ lệ thực tế, để người dân nhìn thấy, hay mô phỏng làm theo.

Hình 4. Thiếu nhiều mô hình thuần Việt thực tế cho người dân

Cách quản lý, tuyên truyền,… không đồng bộ, nhất quán, thiếu chiến lược là một trong các yếu tố cản trở lớn. Đâu chỉ có mấy con vật ngoại lai, mà lấy đơn giản nhất, ngay tại các đình chùa, không ít tờ sớ, bùa chú,… nhập thẳng từ nước ngoài về, các “thầy” chỉ việc thản nhiên phát cho người đi lễ là xong, khuyên mang về bàn thờ mà treo, mà tôn sùng. Đây là hiện tượng quá phổ biến chúng tôi gặp phải khi đi tư vấn phong thủy, gia chủ vẫn tin tưởng tuyệt đối vào “sư thầy”, tin rằng thờ mấy “lá bùa” với các chữ loằng ngoằng – là chữ của thánh hiền, sẽ mang lại may mắn, sẽ thoát khỏi “trùng tang”, là “trấn trạch”,… Hay tại các cửa chùa, cửa đình,… đều bày bán các đồng xu của thời vua Càn Long,Ung Chính, … là hiện tượng gia nhập tràn lan của văn hóa ngoại lai mà các nhà quản lý chẳng quan tâm, ai để ý đến mấy đồng trinh, mấy tờ giấy,… làm gì?!!

Hình 5. Thờ tổ tiên ông bà hay thờ tờ giấy

Vậy sử dụng linh khí “ngoại lai” có vấn đề gì

Sử dụng tràn lan sẽ dẫn đến hai xu hướng, một là mặc nhiên chấp nhận, hai là chống đối. Cả hai xu hướng này đều thái quá, cần được chỉ dẫn tích cực hơn. Chẳng hạn, sử dụng sai mục đích công dụng, sẽ không mang lại kết quả như mong đợi. Nhiều nơi, chỉ vì mong thu hút thêm du khách hay người đi lễ, làm cả nơi thờ riêng cho các linh khí này, như thờ tỳ hưu, thờ sư tử, hay đơn giản là thờ cả bia công đức, thờ gốc cây,….

 

Hình 6. Thờ cả tỳ hưu tại một khu du lịch, hay thờ gốc cây

Nhiều chùa, hay nhiều cơ quan, trường học,… đều lấy lý do đơn giản là có người biếu, tặng, hay “tiến cúng”, chẳng nhẽ lại không dùng?! Như hình tượng sư tử là mãnh thú, được coi như chúa tể, nên không thích hợp đặt ở nhà dân, mộ dân mà chỉ nên đặt ở cơ quan công quyền, cơ quan hành chính lớn, với âm trạch chỉ hợp cho những người có chức quyền lớn. Đặt ở nhà dân sẽ tạo ra sát khí ngược, “át vía” lại chính chủ nhà. Sư tử khi dùng trong phong thủy chủ yếu có tác dụng hóa giải sát khí, trấn giữ khu đất, khi không có sát khí mà đặt sư tử cũng có tác dụng ngược lại. Đền chùa, cơ quan hành chính, ngân hàng… đặt sư tử nhằm tăng tính uy nghiêm, trừ tà ma nhưng thực tế lại tạo cảm giác lạnh lẽo, một phần lại làm người dân sợ không dám đến. Sư tử hoàn toàn có thể thay bằng con chó đá rất gần gũi với người dân. Tuy vậy, tùy tiện đặt linh khí, dù thuần Việt hay ngoại lai đều lợi bất cập hại, nên tham khảo ý kiến của chuyên gia.

Viết bình luận của bạn:
mess
zalo
popup

Số lượng:

Tổng tiền: